Tôi viết bài này dành cho những bạn trẻ, chưa và đã từng nghe nói về những thiết bị âm thanh kể trên. Tôi sẽ nêu ra những đặc điểm của từng thiết bị và lý do tại sao nó xứng đáng là những huyền thoại. Bắt đầu từ thiết bị quen thuộc nhất, Shure 565SD.
1/ Shure 565SD:
Trong tất cả sản phẩm của hãng Shure, chỉ có 2 model là có hiệu ứng gần (proximity effect) là 565SD và 545SD. Khi có hiệu ứng gần, nguồn AT càng gần mic bao nhiêu thì càng tăng bass và treble lên bấy nhiêu, midle vẫn giữ nguyên. AT có vẻ dầy lên và mic hút hơn. Hiệu ứng này còn bỏ bớt tạp âm đằng sau người hát nên rất hữu dụng.
Vì hồi đó thường xài ampli đèn nên output của nó phải qua biến thế cho ra 2 tổng trở 200ohm và 50kohm, có thể thay đổi bằng chấu cắm của jack XLR3. Hãng Shure nổi tiếng hàng đầu thế giới là nhờ 2 model này. Model 55S (sọ khỉ) chỉ là biểu tượng của Shure thôi chứ AT khá tệ.
Vì 565 mắc hơn 545 nhiều nên giàn micro đi show của tôi hồi đó phải xen lẫn vài cái 545. Tôi cắt mút lau bảng nhiều màu thành hình tròn, khoét lỗ để chụp lên đầu mic. 545 để nguyên, 565 phải mở đầu lưới ra. Nhìn bề ngoài, tất cả mic đều giống nhau, chỉ khác màu.
SM58 và SM57 là hậu duệ của 2 model trên, hình thức, màng chắn, nam châm, kết cấu giống hệt nhưng không có hiệu ứng gần. Vì vậy nó không có những đặc tính trên, phải hát gần mic. Người ta thường nói là phải ăn micro (eat micro). Nó chỉ có đặc tính AT khá trung thực và rẻ nên được ưa chuộng. Nếu dùng Beta58, xài nam châm neodymium, output sẽ tăng 2dB nhưng giá gấp 3 lần.
Tại sao 565SD lại có hiệu ứng gần? Theo tôi nghĩ, có lẽ vì cuộn coil của nó quấn bằng dây nhôm dẹp, chỉ có 1 lớp nên từ thông phát ra đều và chính xác hơn. Dây lớn lại ít vòng, điện trở chỉ có 15ohm, bắt buộc phải có biến thế để nâng lên mức hữu dụng. Khuyết điểm: Dây nhôm rất dòn, dễ gãy, không hàn nối được, nếu trong môi trường ẩm ướt nhiều (nước miếng) sẽ hay bị gãy ở chỗ dán lên màng chắn. Gặp trường hợp này, hồi đó tôi phải dùng dung dịch bóc màng chắn, gỡ cuộn coil, lột vài vòng dây và dán màng như cũ. Nếu may, chất lượng chỉ giảm dưới 10%. Tôi gọi thủ thuật này là “móc râu micro”, hi hi.
Cũng có thể vì lý do dễ hư mà từ thập niên 1980 hãng Shure không sản xuất series 565SD nữa, thay thế bằng series SM. Nhưng gần đây, trên thị trường lại xuất hiện series classic, gồm 3 loại trên, đẹp hơn, cán và lưới đều bằng inox (đời cũ bằng nhôm và sắt xi). Tôi đã mua vài cặp, tính dùng để hát karaoke nhưng hỡi ôi, nó không còn AT như xưa nữa, mất hiệu ứng gần. Có lẽ vì lý do dễ hư, hãng quấn coil bằng dây đồng nên không còn hiệu ứng này nữa (hic).
Nếu bạn nào tình cờ gặp mic 565SD đời cũ còn tốt (cán và lưới xi, made in Mexico nhé) thì nên mua thử. Tôi bảo đảm nó thích hợp cho ca sĩ tài tử (karaoke, hát với nhau) vì rất nhậy và tiếng bén, hơn mọi loại micro khác nhiều.
Micro 565SD và 545SD classic
2/ Dynacord mini:
Khi phong trào ca nhạc thế giới nổi lên vào thập niên 6-70, pro-sound của chúng ta cũng phải chạy theo, bắt đầu cải tiến công nghệ và thiết bị để bắt kịp đà tiến hoá. Đúng lúc, hãng Dynacord của Đức đã tung ra một thiết bị hỗ trợ giọng hát cho ca sĩ thật tuyệt vời. Đó là thiết bị tạo tiếng vang (echo – bây giờ gọi là delay). Trước đó, ca sĩ chỉ biết thiết bị reverb, cũng tạo tiếng vang bằng cách cho tín hiệu AT đi qua một sợi lò xo mảnh, kéo dài AT, tạo hiệu ứng ngân nga. Vì bằng cơ khí nên AT có vẻ giả tạo.
Nguyên tắc của echo rất đơn giản, cùng nguyên tắc với máy thu băng từ (Magnetophone tape recorder). Grundig (cũng của Đức) là hãng phát minh ra máy thu băng từ đầu tiên, chạy bằng tape 1/4inch, Dynacord cũng theo công nghệ này.
Giàn cơ của Dynacord mini rất đơn giản, cắt băng từ thành đoạn ngắn, dùng băng keo nối lại thành vòng tròn. Băng từ chạy lòng vòng trên một hệ thống bánh xe có môtơ kéo (coi hình). Cũng như máy thu băng, nó cũng có 3 đầu từ, xoá, thu và phát (erase, record and play). Trước hết, tín hiệu sẽ đưa vào đầu thu để ghi lên băng, tín hiệu vừa thu sẽ đi tới đầu phát, ở ngay sau đó cách một khoảng (có thể điều chỉnh khoảng cách bằng một cần gạt ở mặt trước máy). Đầu phát sẽ mang tín hiệu vừa nhận vào tầng khuếch đại và xuất ra output của thiết bị. Nhưng cùng lúc, nó cũng đưa tín hiệu đó vào đầu thu trở lại. Đầu xoá sẽ xoá sạch tín hiệu sau khi thu và phát. Cứ thế, vòng lập tín hiệu tuần hoàn không bao giờ dứt. Nhưng ta có thể làm tín hiệu nhỏ lại sau mỗi lần thu và phát và giới hạn số lần lập lại bằng 2 biến trở. Đó là tiếng echo mà mà các bạn nghe khi ca sĩ hát.
Tại sao Dynacord trở thành huyền thoại AT?
Từ lúc xuất hiện trên thị trường, Dynacord độc tôn về mảng thiết bị effect này. Teisso (Nhật), Mejzini (Ý), Rolland (Mỹ) cũng có thiết bị nhưng chất lượng thua xa. Công nghệ máy thu băng cùa Đức (Grundig, Phillip, Uher) vẫn nhất thế giới nên ta không lấy làm lạ. Theo tôi, ngoài việc họ dùng transitor tốt nhất thời đó (series BC), có thể là vì tốc độ băng chạy rất nhanh, khoảng 15 ips nên AT mới tốt như vậy. Tôi phải xài băng từ polyester đề kéo dài tuổi thọ và luôn cắt băng dự phòng. Mặt máy có 2 input, mỗi input đều có HiZ và LowZ, có thể thay đổi bằng jack 5 pin.
Bạn nào mê nghe nhạc vàng đều chắc chắn đã nghe qua AT của Dynacord vì tất cả phòng thu băng trước 75 đều xài Dynacord mini và Shure 565SD. Bạn thử so sánh tiếng hát ca sĩ hồi đó, chưa chắc bây giờ đã trội hơn. Lúc đó Dynacord cũng đã tung ra 2 model sau là Super Dynacord và Mixer Dynacord, có thêm nhiều tính năng nhưng không được ưa chuộng vì tiếng echo vẫn không hay bằng Dynacord mini.
Series Dynacord: Mini, Super và Mixer
Sau 75, lúc mới vào nghề thì Dynacord là niềm mơ ước của tôi nhưng khó có thể có được vì giá rất mắc, cái khá mới có thể lên đến 5 cây vàng hồi đó, có tiền cũng không mua được vì ai cũng giữ làm gia bảo. Bất cứ ai sở hữu 1 cái Dynacord đều có thể làm nghề cho thuê AT vì những thiết bị khác đều là thứ yếu. Thèm muốn quá, năm 1982 tôi mượn 1 cái Dynacord mini của ông bạn thân. Chỉ trong 1 ngày tôi đã vẽ lại toàn bộ mạch điện và kích cỡ cơ khí. Sau đó, ngoại trừ mạch điện tự làm, tôi thiết kế bản vẽ cho nhiều cơ sở gia công như mặt máy Thuỳ Trang, vỏ Sáu Nghĩa, giàn cơ chạy băng Sanh thợ tiện. Thế là tôi đã thoả mơ ước, sở hữu Dynacord tự chế nhưng chất lượng không dưới 90%. Máy đẹp đến nỗi, khi đi đo chất lượng để triển lãm Hà nội 1984, một chuyên viên của TT3 đo lường chất lượng phải thốt lên: “Tôi chưa thấy máy zin bao giờ nhưng chắc cũng đẹp như thế này là cùng”. Sau này, qua một người rất thân, tôi bị lộ bản thiết kế nên có nhiều đơn vị cũng sản xuất được. Những cơ sở vệ tinh cho tôi cũng kiếm khá bộn vì làm cho nhiều người. Hiện nay tôi vẫn giữ một cái Super Dynacord làm kỷ niệm.
Tôn Dynacord mini là huyền thoại cũng không ngoa…
3/ JBL D130F:
Đúng ra, driver JBL D130F 15” không phải dùng cho ca nhạc. Lúc đầu, hãng Fender thiết kế nó vào thùng, đi chung với ampli guitar đèn Twin reverb Fender, nên công suất của nó khá nhỏ, chỉ 100w. Dĩ nhiên, vì thiết kế cho guitar rock, giải tần hoạt động của nó khá rộng, có thể lên tới trên 10kHz. Giải tần này lại phù hợp với tiếng hát của con người nên nhiều người dùng nó cho ca nhạc. Các bạn nên biết, hồi đó giàn AT chỉ dùng riêng cho ca sĩ chứ không mix nhạc cụ vào như bây giờ. AT của nhạc cụ là giàn ampli trên sân khấu. Vì vậy tiếng hát rất trong trẻo, nghe lồng lộng. Chỉ cần 1 cặp D130F là đủ phục vụ cho vài ngàn khán giả, không cần thêm horn và tweeter như bây giờ.
Vì có những đặc tính trên, D130F có kết cấu rất đặc thù. Quan trọng nhất là lỗ mũi (màng che bụi) bằng nhôm nên đằng sau loa phải có lỗ thoát hơi cho khó bể, tôi gọi là “lỗ đít” hi hi. Đây cũng là cách giả lập horn cho loa, mà không cần thêm loa. Nếu không có màng nhôm này hay bị bể là mất giải tần cao ngay lập tức. Đặc điểm thứ 2 là, cũng như Shure 565SD, cuộn coil của nó quấn bằng dây nhôm, chỉ 1 lớp, nằm lọt bên trong khe hở của nam châm, chỉ hở bằng sợi tóc. Vấn đề là, dây nhôm rất dễ gãy, nhất là đoạn dây nằm trên màng loa, phải chịu lực rung rất mạnh nên hay bị đứt gãy ở chỗ này, tôi gọi là “đứt râu”.
Năm 1983, sau khi chế tạo 1 mixer stereo 12 chls đầu tiên ở VN, tôi nhờ anh Sáu Nghĩa đóng cho tôi 1 cặp thùng đặc biệt cho D130F, kèm thêm 1 cặp horn Goodman, 1 cặp super tweeter JBL D70S. Với cặp thùng này, tôi làm mưa làm gió ở tất cả sân khấu ngoài trời, 5-10 ngàn người chấp luôn. Tôi cũng bắt đầu mix nhạc cụ vào hệ thống này, khốn nỗi, màng loa nhảy mạnh quá, hay bị bể lỗ mũi, tôi phải dùng giấy nhôm (giấy bạc của bao thuốc lá) và keo super glue dán lên xài đỡ. Trong show, nếu bị đứt râu, tôi hạ chân loa xuống, cạo sạch, đắp 1 cục chì lên chỗ đứt, chỉ trong vài phút, show không bị gián đoạn.
Hiện nay, JBL không còn sản xuất model này nữa, có lẽ vì công suất yếu và dễ bị đứt râu. Gần đây, tôi mượn được 1 cặp D130E (không phải F) mang về thử với ampli đèn tôi mới ráp. Hình thức thì y chang nhưng tiếc thay, nó không cò AT như hồi xưa nữa, có lẽ lại bị quấn bằng dây đồng.
…………
Ba thiết bị AT tôi kể trên đây đã đi vào huyền thoại, chỉ còn vang bóng một thời oanh liệt…
LTP- 03-2024